A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Louvain-La-Neuve ấn tượng thành phố mới (Heritage culture 2010)

Với khoảng 20 nghìn dân một nửa là sinh viên, còn lại là dân gốc của vùng và những người giàu có làm việc tại Bruxelles, Louvain La Neuve không phải là thành phố du lịch nhưng lại hấp dẫn những người đến đây bởi chính câu chuyện của thành phố này.

Chúng tôi lên tàu từ ga Bruxelles Midi, ga chính của thành phố thủ đô hành chính của châu Âu lên đường về một thành phố có cái tên gây tò mò này. Giống như  những  địa danh bắt đầu bằng chữ New như New Jeysey, New Deli, Nouvelle Calledonie…câu chuyện của thành phố này cũng bắt đầu từ một sự địa danh đã tồn tại trước đó, nhưng không phải là một cuộc di dân mà là một cuộc dịch chuyển của một phần của một trường đại học. Trường đại học Louvain là một trong những trường lâu đời nhất nước Bỉ thành lập năm1825. Năm 1968, do có cuộc tranh luận không bao giờ dứt giữa 2 cộng đồng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp, cộng đồng nói tiếng Hà Lan phát triển hơn về kinh tế không muốn ‘‘gánh’’ cộng đồng tiếng Pháp nên đã xảy ra tranh cãi kịch liệt. Cuộc tranh luận trên nghị trường lan đến cả các trường đại học và những lãnh đạo nói tiếng Hà Lan đã quyết định ‘‘mời’’ tất cả những khoa nói tiếng Pháp ra khỏi trường và thế là Louvain La Neuve vốn là một vùng nông thôn cách Bruxelles 30 km đã được chọn để trở thành một trung tâm giáo dục bằng tiếng Pháp. Quyết định này đã mang đến sự thay đổi to lớn cho cả vùng đất : đây là thành phố mới duy nhất được thành lập tại Bỉ kể từ năm 1666, năm thành lập thành phố Charleroi. Hàng loạt khoa có sử dung tiếng Pháp của trường Louvain được chuyển về thành phố mới và biến ngôi làng trước kia thành một thành phố hiện đại, sạch sẽ và thân thiện với môi trường nhất châu Âu. Toàn bộ trung tâm thành phố được xây dựng trên một khối bê tông khổng lồ ở dưới là các bãi đỗ xe và đường đi cho xe cơ giới. Ngày nay, Louvain La Neuve là một trong những vùng có chất lượng cuộc sống cao nhất tại Bỉ : thành phố không khói bụi, tỷ lệ phạm tội gần như bằng không, không có những đám thanh niên vô công rồi nghề tụ tập gây sự như ở hầu hết các thành phố châu Âu khác, ở thành phố chỉ có người đi bộ và đi xe đạp, trường học chất lượng cao, rạp hát, bảo tàng, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và những lễ hội của sinh viên đầy náo nhiệt… 15 nghìn người dân và 20 nghìn sinh viên đến từ 120 nước khác nhau ở thành phố đang sống trong một sự pha trộn hài hòa giữa tính hiện đại và sự bắt rễ vào truyền thống.

Ấn tượng mạnh mẽ nhất ở thành phố này là tính thống nhất trong kiến trúc của thành phố : toàn bộ là những ngôi nhà xây gạch thô màu hồng đục với các đường cắt chéo rất gô tích. Quảng trường lớn là trung tâm của thành phố nơi chiều chiều lũ trẻ rủ nhau chơi bóng chiều cuối tuần khi đám sinh viên lên đường đi chơi cuối tuần. Như một trò chơi trốn tìm, thật khó có thể tưởng tượng quảng trường vắng vẻ này vào ngày cuối tuần thường không có một chỗ trống vào ngày thường bởi hàng nghìn sinh viên ngồi ăn uống, chơi nhạc và nói chuyện. Đường phố không thể ‘‘bác học’’ hơn với những cái tên như Phố của các nhà Hiền triết, khán phòng Socrate, trường cấp ba Erasme, nhà hát Jean Villar. Ngoài đường phố người ta vẫn bắt gặp một phong cách rất Bỉ với 9 bức tranh tường với những nhân vật như bước ra từ một cuốn truyện tranh hay một câu chuyện thần thoại. Thành phố nhỏ nhưng có 2 bảo tàng trong đó phải kể đến bảo tàng truyện tranh Tin Tin mang tên Hergé. Tại đây, người xem được bước vào không gian của những chuyến phiêu lưu kì thú của chàng kí giả ưa mạo hiểm Tin Tin. Người ta có thể bắt gặp những ông già tóc bạc trìu mến ngắm những mô hình tái hiện những cảnh sinh động nhất trong cuốn truyện, những thanh niên mua post card gửi cho bạn bè hay những cậu bé hớn hở khoác lên mình chiếc ba lô mang hình Tin Tin mua trong cửa hàng lưu niệm của bảo tàng được mở đến 6h tối. Người Bỉ đã cho thấy sự năng động trong việc khai thác các sản phẩm lưu niệm từ chủ đề trưng bày của bảo tàng không kém gì những người hàng xóm Pháp của mình. Bảo tàng thành phố tuy nhỏ nhưng hoàn toàn có thể tự hào với bộ sưu tập nhiều cổ vật của Ai Cập, Hy La, nghệ thuật nguyên thủy châu Phi cũng như một số hình vẽ của Picasso. Thành phố còn có tới 7 festival lớn trong năm. Ít ai có thể tưởng tượng được một thành phố nhỏ như vậy nhưng từ năm 1976, hàng năm lại có một festival sinh viên mang tên Đi xe đạp 24 h trong ngày có lúc thu hút tới 80 nghìn thanh niên đến từ toàn nước Bỉ và cả các nước lân cận.

Lang thang trong thành phố chiều chủ nhật, lắng nghe sự im ắng của thành phố, ngắm những tác phẩm điêu khắc trên thành phố rồi kết thúc buổi tối bằng một đĩa vẹm ăn kèm khoai tây rán đúng kiểu và chọn cho mình một trong hàng chục loại bia danh tiếng của Bỉ, không cần ở Bruxelles bạn vẫn có thể nói, tôi đã biết nước Bỉ như thế nào.

Louvain La Neuve 22 tháng 11 năm 2010

Nguyễn Đình Thành

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật